Trồng dưa lưới trong nhà màng tuy đầu tư ban đầu cao, song thu được sản phẩm sạch, an toàn, không phụ thuộc vào thời tiết, ngăn ngừa được sâu bệnh hại, chi phí cho thuốc trừ sâu, bệnh hầu như không đáng kể. Bài viết xin giới thiệu quy trình kỹ thuật canh tác dưa lưới trên giá thể trong nhà màng như sau:

I. NHÀ MÀNG TRỒNG DƯA

Nhà màng có kết cấu khung thép mạ kẽm không rỉ; mái lợp màng PE chống mưa, xung quanh được bao lưới chống côn trùng 50 mesh, chiều cao tới máng xối là 4 m, tới nóc nhà là 7,0-8,0 m. Để hạn chế bệnh gây hại cho các hàng cây gần bìa thì cần làm màng che mưa phía ngoài lưới, có thể kéo lên khi nắng, kéo xuống khi mưa. Với các tỉnh miền Bắc và miền Trung thì cần làm hệ thống chống bão, căng lưới và màng tạo góc chéo theo cây chống bão để trượt gió.

Trong nhà có dây treo dưa bằng cáp, được căng theo chiều dọc nhà để buộc dây quấn cây dưa.

chuẩn bị nhà màng trồng dưa lưới

  • II. KỸ THUẬT TRỒNG

1/ Giống dưa và Kỹ thuật Vườn ươm

a) Giống dưa: hiện nay có rất nhiều giống dưa lưới, nhưng chủ yếu là giống nhập nội, chưa được khảo nghiệm để đánh giá khả năng thích nghi. Vì vậy, cần xem xét chọn những giống chọn tạo trong nước. Những giống đã được nghiên cứu khu vực hóa, thích nghi tốt, năng suất cao và tính chất thịt quả phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam (ngọt, giòn, lưới đẹp, không rụng cuống), đó là giống AB Sweet Gold (quả ô-van, ruột cam), Khang Nguyên (quả tròn hơi dài, ruột xanh), Queen KN (quả tròn hơi dài, ruột cam), King KN (quả tròn hơi dài, ruột xanh), Kanabi (quả tròn, ruột cam), giống Haruka (quả tròn, ruột cam, lưới rất nổi), thích nghi khí hậu lạnh, chịu được điều kiện thiếu sáng vụ đông…

b) Kỹ thuật Vườn ươm: Cây dưa có thể gieo trực tiếp hạt xuống đất hoặc bịch giá thể trồng cây. Tuy nhiên, làm như vậy cây dễ bị nấm bệnh xâm nhiễm và gây hại sớm, mất mật độ. Tốt nhất là gieo ươm hạt trên khay xốp (loại khay 50 lỗ), điều kiện gieo phải cách ly trong nhà lưới, nhà kính hoặc dùng vải không dệt của Nhật để che phủ cây con ngay khi gieo hạt. Khay ươm phải đượ đặt trong nhà ươm để chống côn trùng gây hại. Tưới thấm cho các khay đã gieo hạt, không tưới lên ngọn cây để tránh ngộ độc do nguồn nước đôi khi chứa hàm lượng cao của Bi-urea, NaCl, B,... Cây được mọc từ 8-10 ngày thì đem trồng ra ruộng. Làm như vậy sẽ được lợi cả về thời gian trồng, rút ngắn mùa vụ.

 

chuẩn bị cây con dưa lưới - nông sinh nguyên khang

 

2/ Mật độ, khoảng cách

  • Hàng cách hàng: 120 cm (hàng đơn)
  • Cây cách cây: 30 cm – 35 cm.

Mật độ sẽ là: 27.000-24.000 cây/ha

Trồng hàng kép: Tâm 2 hàng kép là 200 cm, hai hàng kép cách nhau 60cm.

Khoảng cách cây: 35-40cm. Mât độ sẽ là: 25.000 – 28.000 cây/ha.

Vụ mưa hoặc ở phía bắc thường ít nắng thì trồng thưa hơn vụ khô, nắng nhiều. Khi thiếu ánh sáng thì quả sẽ ít tạo lưới và không đạt chất lượng để bán. Đối với khí hậu phía Bắc ít nắng khuyến cáo trồng hàng đơn.

3/ Làm giàn treo cây:

Cây được đỡ bằng dây nilon treo trên dây kẽm dọc luống. Căng cáp hoặc dây kẽm 3mm phía trên các hàng với độ cao 2,0-2,2m. Sử dụng dây nilon chuyên dùng để buộc lên dây kẽm theo khoảng cách cây dự định trồng. Công việc này phải làm trước khi trồng cây.

4/ Kỹ thuật chăm sóc:

Cây dưa lưới có đặc điểm ra hoa cái trên cành nách. Mỗi nách lá ra 01 cành vì vậy phải có biện pháp ngắt tỉa hợp lý. Mỗi cây chỉ để lại 1 thân chính và mỗi cây chỉ để 01 quả.

- Ngắt bỏ hết cành nách từ gốc cho đến đốt thân thứ 10-11 mới để cành quả. Ngắt ngọn cành quả khi hoa cái nở, chừa lại 1 lá kế tiếp nách mang hoa. Ngắt hết tua cuốn trên thân cây để tập trung dinh dưỡng.

- Quấn dây treo cây: khi cây được 25 cm (4-5 lá) thì buộc dây vào gốc cây ở vị trí dưới  lá thật, trên lá mầm. Quấn dây treo vào cây theo chiều kim đồng hồ. Lưu ý, khi gần đến độ cao cáp treo thì quấn 2 vòng/đốt đảm bảo dủ chặt để cây đủ treo quả khi lớn, nếu không quả sẽ kéo sập cây xuống đất.

- Thụ phấn: Lấy hoa lớn nhất trên thân chính từ ngọn xuống thụ cho hoa cái. Thời gian đậu trái tốt nhất là 8-11 giờ sáng. Thụ phấn sao cho mỗi cây chắc chắn đậu 2-3 quả thì ngưng. Khi trái lớn bằng quả trứng gà thì định trái, ngắt bỏ trái nhỏ, chỉ giữ lại 1 trái trên 1 cây, chọn trái lớn nhất không kể vị trí trên hay dưới.

Tốt nhất là thụ phấn bằng ong mật, để giảm bớt công lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Mỗi vườn diện tích 1.000 m2, thì thả 1 thùng ong (có 5 cầu). Thả trong vòng 1 tuần, trước khi hoa cái nở 1-2 ngày cho ong làm quen vườn dưa. Lưu ý, khi cho ong vào nhà màng phải cho nước để ong uống.

Ngắt ngọn khi cây đạt số lá. Mỗi cây dưa cần để khoảng 25 lá thật trên thân chính.

5/ Tưới nước

Lịch tưới nước được dựa trên việc duy trì lượng nước tưới sao cho vừa đủ để cây sinh trưởng và không bị quá để tránh nứt quả. Yêu cầu nước của cây khác nhau theo từng giai đoạn sinh trưởng vào nhiệt độ, cường độ ánh sáng,… Cây cần nhiều nước nhất vào giai đoạn đậu quả đến trước khi tạo lưới. Tưới đủ nước cho suốt thời gian quả thành thục là cần thiết, nhưng tưới quá nhiều sẽ làm nứt quả khi đang tạo lưới. Lượng nước nhiều trong bầu giá thể cũng tạo điều kiện tốt để vi khuẩn phát sinh làm thối gốc và chết cây giai đoạn cuối. Điều chỉnh lượng nước tưới bằng cách điều chỉnh tần suất tưới và điều chỉnh thời gian tưới hoặc cả hai.

Mỗi ngày tưới 8-10 lần, giai đoạn cây nhỏ trước giai đoạn ra hoa tưới khoảng 1,2-1,4 lít/cây/ngày, sau đó tưới tăng lên 1,6-1,8 lít/cây/ngày vào giai đoạn đậu quả và giảm còn 1,4-1,5 lít vào giai đoạn sau tạo lưới đến cuối vụ.

 Xem tiếp Kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng (phần 2)

 

Quý khách có nhu cầu trồng dưa lưới trong nhà màng hãy liên hệ với chúng tôi.

NÔNG SINH KHANG NGUYÊN

Địa chỉ: G10 Khu dân cư Thới An, đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12, TPHCM

Hotline:  0966 525 015

Email:   info@abkhangnguyen.com

website: www.abkhangnguyen.com